Phong cách nội thất Minimalism ngày càng được nhiều người ưa chuộng bởi sự tối giản nhưng vẫn hài hòa không cẩu thả. Vậy phong cách nội thất tối giản – Minimalism là gì? Khi thiết kế theo phong cách nội thất tối giản cần tuân theo những nguyên tắc nào. Cùng AB Concept khám phá vẻ đẹp đặc biệt mà phong cách này mang lại, ngay sau bài biết dưới đây.
Phong cách nội thất tối giản – Minimalism là gì?
Một không gian thiết kế theo phong cách Minimalism (Ảnh: sưu tầm)
Phong cách nội thất Minimalism (hay phong cách tối giản, tối thiểu) bắt nguồn từ phong trào nghệ thuật phương Tây từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, phát triển mạnh vào giữa những năm 1960 và 1970 của thế kỷ 20. Phong cách này được thể hiện rõ nét trong các tác phẩm hội họa của họa sĩ nổi danh Mark Rothko. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự phổ biến khi kiến trúc sư Ludwig Mies Van der Rohe ứng dụng theo quan điểm “Less is More” vào kiến trúc. Sau đó, phong cách Minimalism đã lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác; từ thời trang, âm nhạc cho tới thiết kế nội thất và kiến trúc.
Phong cách Minimalism trong kiến trúc
Kiến trúc sư người Đức – Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969) (Ảnh: sưu tầm)
Ludwig Mies van der Rohe (1886 – 1969) là kiến trúc sư đại tài người Đức, ông được biết đến như cha đẻ của phong cách kiến trúc tối giản. Kiến trúc tối giản có nội dung và bố cục theo nguyên tắc “Less is more” (tạm dịch: ít nhưng lại là nhiều, càng ít càng tốt), luôn hướng đến giá trị của không gian, chú trọng yếu tố ánh sáng, đường nét hình học đơn giản, bất đối xứng thay cho những chi tiết phức tạp, rườm rà.
Phong cách Minimalism trong thiết kế nội thất
Minimalism – phong cách thiết kế nội thất được ưa chuộng tại Nhật Bản (Ảnh: sưu tầm)
Phong cách Minimalism trong thiết kế nội thất có nghĩa là bố trí phòng có càng ít đồ đạc và chi tiết càng tốt. Các yếu tố chính của phong cách này là sự chú ý đến hình dạng, màu sắc và vật liệu. Việc phân chia không gian thành các phòng, đồ nội thất hoặc vách ngăn bằng kính đóng vai trò quan trọng. Tất cả chi tiết đồ nội thất đều mang những ý nghĩa nhất định nhằm tạo ra không gian hài hòa và thông thoáng nhất.
Tại Châu Á, Nhật Bản được xem là bậc thầy của phong cách tối giản, phong cách tối giản được ứng dụng ở hầu hết công trình tại Nhật, kể cả đương đại lẫn truyền thống.
Nguyên tắc cần nắm khi thiết kế theo phong cách nội thất tối giản
Tổng thể không gian”Less is more”
Thiết kế phòng khách tối giản nội thất nhưng hiện đại (Ảnh: sưu tầm)
Nguyên tắc “Less is more – Ít là nhiều” chỉ sự tối giản tuyệt đối các chi tiết trong kiến trúc, tạo nên một không gian giản lược và xuyên suốt.
Những món nội thất có ý nghĩa công năng cũng được hạn chế tối đa nên không gian diện tích rất rộng rãi thoáng đãng. Thay vào đó là những món đồ thông minh, đơn giản, tích hợp nhiều công năng trong 1 sản phẩm để đáp ứng đầy đủ tiện nghi cho ngôi nhà.
Sự hạn chế về màu sắc
Màu sắc hạn chế sử dụng trong phong cách nội thất Minimalism (Ảnh: sưu tầm)
Màu sắc sử dụng trong Minimalism đều nằm trong những khuôn khổ và tiêu chuẩn nhất định. Tối đa chỉ sử dụng 4 màu trong cùng một khu vực, phối cảnh; thông thường màu sắc được phối hợp dựa trên nguyên tắc: 1 màu chủ đạo, 1 màu nền và 1 màu nhấn.
Gam màu trung tính được chọn làm màu tường để tạo phông nền hoàn hảo để nổi bật lên nội thất bên trong. Khi kết hợp cùng những đường nét thẳng, đơn giản sẽ giúp không gian thêm phần mềm mại, tinh tế.
Chú trọng kết hợp yếu tố ánh sáng
Ánh sáng trong phong cách nội thất Minimalism không quá chói mắt (Ảnh: sưu tầm)
Ánh sáng như là một phần trang trí giúp tạo ra các hiệu ứng về thị giác và làm tăng tính thẩm mỹ cho không gian thiết kế.
Để tạo ra hiệu quả ánh sáng tốt nhất, các kiến trúc sư chú trọng sử dụng ánh sáng tự nhiên được lọc qua các bình phong lá chắn, rèm cửa hay các tán cây để tạo ra hiệu ứng màu sắc, ngoài ra còn giúp tạo ra điểm nhấn trong hình dạng và cấu trúc của các thành phần trang trí.
Sử dụng các đồ nội thất
Đồ nội thất thiết kế đơn giản, tinh tế tạo hài hòa cho phòng khách (Ảnh: sưu tầm)
Bạn có thể nhìn thấy điểm chung ở các không gian tối giản luôn hạn chế ở mức tối đa các món đồ như bàn ghế, tủ hay tủ tivi. Hầu hết các món đồ nội thất đều mang hơi hướng của nội thất hiện đại châu Âu có thiết kế đơn giản, tinh tế nhằm tạo sự hài hòa nhưng vẫn đủ làm cho tổng thể ngôi nhà trở nên ấn tượng và nổi bật.
Các thành phần của trang trí
Chi tiết đèn treo đơn giản kếp hợp công năng vừa chiếu sáng vừa trang trí (Ảnh: sưu tầm)
Các chi tiết trang trí cũng không thật sự cần thiết trong một không gian tối giản. Tuy nhiên, nếu muốn trang trí thêm một vài chi tiết nhỏ bạn cần ghi nhớ dựa trên tinh thần “tối giản”, có thể là những bức tranh khổ lớn, cây xanh hay đèn treo vừa trang trí vừa chiếu sáng.
Lý do nên chọn thiết kế nhà ở theo phong cách tối giản
Nếu bạn là người thường xuyên bận rộn, không có nhiều thời gian cho việc dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa thì không gian sống theo phong cách này sẽ giúp bạn giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả. Phong cách tối giản hướng tới tìm sự cân bằng trong cuộc sống, giúp bạn tăng khả năng tập trung cho học tập, làm việc, nghỉ ngơi.
Phong cách nội thất Minimalism hướng đến giá trị không gian sống (Ảnh: sưu tầm)
Lựa chọn thiết kế nhà ở theo phong cách tối giản phù hợp với các gia chủ có ngân sách đầu tư thấp, có thể điều tiết nguồn chi phí phù hợp với khả năng của mình mà vẫn tạo nên một không gian đậm chất “gu” riêng. Thời gian thiết kế thi công nội thất phong cách tối giản cũng diễn ra nhanh chóng hơn rất nhiều so với các phong cách khác.
AB Concept vừa giới thiệu những đặc trưng của phong cách Minimalism cũng như những ưu điểm giúp Minimalism chinh phục những gia chủ dù là khó tính nhất. Hy vọng những thông tin mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp được nhiều hơn cho bạn trong việc lên ý tưởng cũng như thiết kế tổ ấm của mình.